Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, sẽ có hiệu lực kể từ 1.1.2025. Trong đó, có một nội dung mới rất quan trọng là việc phân hạng lại giấy phép lái xe (GPLX).
GPLX sẽ có 15 hạng
Theo quy định hiện hành, GPLX có 13 phân hạng, gồm A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC. Với GPLX mô tô, hạng A1 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3, hạng A2 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích từ 175 cm3 trở lên, và các loại xe quy định cho hạng A1.
Với GPLX ô tô, hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi và ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg. Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg và các loại xe quy định cho hạng B1.
Kể từ 1.1.2025, khi luật TTATGTĐB có hiệu lực, GPLX sẽ có tổng cộng 15 hạng, tăng 2 hạng so với hiện nay, đồng thời mở rộng phạm vi điều chỉnh với cả xe điện. Các hạng GPLX mới gồm: A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E.
Trong đó, với GPLX mô tô, hạng A1 sẽ cấp cho người lái mô tô 2 bánh có dung tích đến 125 cm3 hoặc công suất động cơ điện đến 11 kW. Hạng A cấp cho người lái mô tô 2 bánh có dung tích trên 125 cm3 hoặc công suất động cơ trên 11 kW, và các loại xe quy định cho hạng A1. Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô 3 bánh và các loại xe quy định cho hạng A1.
Với GPLX ô tô, hạng B1 và B2 sẽ được gộp chung thành hạng B, cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg.
Hạng C hiện nay cấp cho người điều khiển xe tải có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên, tới đây sẽ được tách thành C1 (dành cho người điều khiển xe tải có trọng tải từ 3.500 - 7.500 kg) và C (trọng tải trên 7.500 kg).
Tương tự, hạng D hiện nay cấp cho người điều khiển ô tô chở người từ 10 - 30 chỗ (kể cả lái xe), tới đây sẽ được tách thành D1 (từ 8 - 16 chỗ, không kể lái xe), D2 (từ trên 16 - 29 chỗ, không kể lái xe) và D (trên 29 chỗ, không kể lái xe).
GPLX đã cấp có phải đổi ?
Theo đại diện Cục CSGT (C08, Bộ Công an), phân hạng GPLX theo quy định hiện hành tại luật Giao thông đường bộ năm 2008 có nhiều điểm không tương thích với Công ước Vienna năm 1968 và nhiều quốc gia trên thế giới.
Ví dụ, với mô tô, hạng A1 của VN cấp cho người điều khiển mô tô có dung tích đến dưới 175 cm3, nhưng phân hạng của thế giới chỉ đến 125 cm3. Hay như với ô tô, theo thông lệ quốc tế, phân hạng GPLX căn cứ vào số chỗ ngồi và khối lượng toàn bộ của phương tiện, chứ không căn cứ vào hoạt động kinh doanh vận tải.
Thực tế trên dẫn tới việc đổi GPLX của VN sang GPLX quốc tế hoặc ngược lại gặp nhiều khó khăn. Vì thế, thay đổi phân hạng GPLX như quy định tại luật TTATGTĐB vừa để phù hợp với thông lệ thế giới, vừa là nghĩa vụ của VN khi tham gia các công ước quốc tế.
Với sự thay đổi lớn về phân hạng GPLX, nhiều người băn khoăn GPLX đã cấp có phải cấp đổi, các hạng GPLX khác nhau giữa luật cũ và luật mới sẽ được quy đổi như thế nào? Trả lời cho câu hỏi này, luật TTATGTĐB dành riêng 1 điều khoản quy định chuyển tiếp.
Theo đó, GPLX được cấp trước ngày 1.1.2025 được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX và hạng xe tương ứng. Ví dụ, hạng A1 được tiếp tục điều khiển xe mô tô có dung tích từ 50 - dưới 175 cm3 hoặc có công suất động cơ điện từ 4 kW - dưới 14 kW; hạng A2 từ 175 cm3 trở lên hoặc có công suất động cơ điện từ 14 kW trở lên…
Trường hợp GPLX cấp trước ngày 1.1.2025 mà người được cấp có nhu cầu đổi, cấp lại GPLX thì thực hiện như sau: hạng A1 đổi sang hạng A với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe mô tô có dung tích đến 175 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 14 kW, hạng A2 đổi sang hạng A, hạng A3 đổi sang hạng B1, hạng B1 số tự động đổi sang hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động, hạng B1 và B2 đổi sang hạng B và C1…
Không ảnh hưởng nhiều
Bày tỏ sự đồng tình với quy định mới về phân hạng GPLX, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, cho biết sự thay đổi này sẽ góp phần tương thích với xu thế chung trên thế giới, nhất là về lâu dài.
Ông Quyền nhận định, song song với việc phân hạng lại GPLX, luật TTATGTĐB có quy định rõ GPLX đã cấp trước ngày luật có hiệu lực sẽ được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời gian, vì vậy sẽ không gây nhiều xáo trộn. Khi cấp mới hoặc cấp đổi, các hạng GPLX mới tuy có khác biệt về tên gọi, nhưng cơ bản vẫn gồm các ngưỡng chỗ ngồi hoặc trọng tải thiết kế tương ứng. Hoạt động kinh doanh vận tải dự kiến sẽ không bị tác động tiêu cực, có chăng ảnh hưởng chỉ là đối với tài xế trong quá trình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Cũng ủng hộ việc thay đổi phân hạng GPLX, nhưng đại diện một trung tâm đào tạo lái xe tại Hà Nội cho rằng sau khi luật mới có hiệu lực, cơ quan quản lý nên có giải pháp phù hợp đối với công tác đào tạo, sát hạch GPLX, nhất là các hạng GPLX thuộc diện tách hoặc gộp.
Ví dụ, hạng B1 và B2 hiện nay khác nhau cơ bản là B1 cấp cho người không hành nghề, còn B2 cấp cho người có hành nghề lái xe. Xuất phát từ đặc thù này, chương trình đào tạo cũng sẽ có sự khác biệt: thời gian và kinh phí học hạng B2 nhiều hơn B1, một số nội dung đào tạo (đi sa hình, đi đường trường…) của hạng B2 đều cao hơn hạng B1. Tới đây, khi gộp 2 hạng B1 và B2 thành hạng B, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu quy định để có sự phân hóa nội dung đào tạo, nhất là với người hành nghề lái xe, bởi đặc thù nghề này đòi hỏi sự khắt khe hơn so với lái xe cá nhân hoặc gia đình.